Trị liệu nghệ thuật đã và vẫn đang là một công cụ giúp bồi đắp cho Sức dai tinh thần của mỗi chúng ta.  

Sức dai tinh thần (resilience) đang là một chủ đề được đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực Trị liệu nghệ thuật. Hiện nay, nhiều Nhà thực hành đã vượt qua khỏi lối tiếp cận truyền thống của Phân tâm học, và tiếp cận lĩnh vực này dưới dạng ít mang tính bệnh lý hơn. Ngược lại, hầu hết các tài liệu tham khảo ở thời kỳ đầu tạo nên nền tảng cho ngành Trị liệu nghệ thuật thường được phát biểu bởi những Nhà thực hành có nền tảng trong ngành Tâm động học, chính vì vậy trong các tài liệu này thường đề cập đến ‘biểu đạt nghệ thuật’ bằng cách sử dụng các thuật ngữ của ‘các cơ chế phòng vệ’. Ví dụ, tác phẩm biểu đạt nghệ thuật của thân chủ mà gần giống với những hình ảnh trực quan được tìm thấy trong giai đoạn đầu phát triển của nghệ thuật sẽ được gắn mác là ‘quy hồi’ (regressed); thuật ngữ ‘phóng chiếu’ (projection) được sử dụng để mô tả nội dung biểu đạt được tạo ra mà không sử dụng ‘cái thấy của ý thức’; các sản phẩm nghệ thuật và quá trình sáng tạo được xem là kết quả của ‘sự thăng hoa’ – một sự chuyển tải những xung lực ngoài ý muốn, suy tư, và cảm xúc thành tác phẩm biểu đạt sáng tạo (như hội họa, sơn dầu, điêu khắc, v.v…) – những dạng biểu đạt dễ được tiếp nhận bởi thị giác hơn. Những kiểu mô tả thế này vẫn được tìm thấy trong lý thuyết và thực hành của lĩnh vực Trị liệu nghệ thuật ngày nay; ngay cả những Nhà trị liệu đi theo trường phái nhân văn và nhận thức-hành vi cũng vẫn áp dụng những thuật ngữ của lĩnh vực tâm động học để mô tả về các nội dung nghệ thuật thị giác và quá trình sáng tạo biểu hiện ra trong quá trình trị liệu.

Dịch bởi Ngọt, cộng tác viên của MAI:tri, dựa theo bài viết gốc của Cathy Malchiodi, PhD trên trang Psychology Today.

Boy climbes up a concrete slope of modern children's sports and playground. Kid overcomes fear and learn new things. Active leisure outdoors. Sporty lifestyle.

Nhiều thập kỷ trước khi đang theo học cao học, tôi thấy những mô tả này còn nhiều khúc mắc và không đầy đủ so với những gì tôi cảm nhận về Trị liệu nghệ thuật và các ngành Trị liệu nghệ thuật biểu đạt; thực tế là, tôi cảm thấy những ghi chép của các nhà thực hành Trị liệu nghệ thuật khác xa với sự hiểu biết cá nhân của tôi với tư cách là một nghệ sĩ, bởi vì dường như những ghi chép này không giống với những cảm nhận của tôi về mục đích thực sự của việc biểu đạt nghệ thuật. Đối với tôi, mục đích thực sự của nghệ thuật là giúp bồi đắp cho ‘sức dai tinh thần’ của mỗi người, chứ không phải là để chữa trị bệnh lý hay giải quyết các vấn đề tinh thần. Đó là lý do vì sao con người vẫn luôn quay về với việc thực hành nghệ thuật như một giải pháp cho sự khỏa lấp và phục hồi sau những thử thách không thể tránh khỏi về thể chất, tâm tình, các mối tương giao và tâm linh trong cuộc sống. Nói cách khác, biểu đạt nghệ thuật và quá trình sáng tạo là biểu hiện thực sự của động lực cải thiện sức khỏe và đời sống, chứ không đơn thuần là dấu hiệu của sự kiềm nén, phóng chiếu, trút giận, hay các cơ chế phòng vệ nghe có vẻ “trưởng thành” hơn, như là thăng hoa và che đậy. Như Louise Bourgeois có nói, “Thực hành nghệ thuật là biểu hiện của sự tỉnh táo” – đây là một cách làm rất con người nhằm thấu hiểu bản thân, chứ không phải để bệnh lý hóa các khía cạnh trong đời sống.

Không phải hoạt động nghệ thuật nào cũng có khả năng bồi đắp ‘sức dai tinh thần’, mà khả năng này có được nhờ vào những đặc tính của quá trình sáng tạo nghệ thuật cũng như những tương tác giữa thân chủ và Nhà trị liệu. Dưới đây là một số dẫn chứng  hiện có về cách mà biểu đạt nghệ thuật và Trị liệu nghệ thuật cải thiện và giúp nuôi dưỡng ‘sức dai tinh thần’ trong mỗi người ở mọi lứa tuổi:

Cải Thiện Chất Lượng Đời Sống

Ngày càng có nhiều nghiên cứu nhấn mạnh về việc Trị liệu nghệ thuật giúp làm tăng nhận thức về chất lượng cuộc sống của những cá nhân có ung thư, sa sút trí tuệ hay mang trong mình những thách thức khác; nhận thức được về một đời sống có chất lượng là một thành tố biểu hiện chính cho ‘sức dai tinh thần’ của một cá nhân dù cho họ có mang trong mình bệnh lý hay vấn đề tâm lý xã hội nào.

Điều Tiết Cảm Xúc

Sáng tạo nghệ thuật vừa có thể là một thực hành giúp một cá nhân tự điều tiết bản thân, vừa có thể trở thành một hoạt động dựa trên ‘lối tư tưởng hướng về sự nỗ lực và kết quả’, điều gây nên những tâm trạng trung gian như lo âu và trầm uất. Nghiên cứu trong Trị liệu nghệ thuật đã bắt đầu chỉ ra được cách thức và nguyên do những tâm trạng trung gian này diễn ra; số liệu sơ bộ từ nghiên cứu của khoa học thần kinh đã chỉ ra được những gì thực sự diễn ra trong não và cơ thể khi trải nghiệm sáng tạo nghệ thuật đang diễn ra. Các nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng có trường hợp về việc ngắm nhìn thành quả nghệ thuật giúp khơi lên phản ứng hóa học tương tự với cảm giác khi yêu.

 

“…biểu đạt nghệ thuật và quá trình sáng tạo là biểu hiện thực sự của động lực cải thiện sức khỏe và đời sống, chứ không đơn thuần là dấu hiệu của sự kiềm nén, phóng chiếu, trút giận, hay các cơ chế phòng vệ nghe có vẻ “trưởng thành” hơn, như là thăng hoa và che đậy.”

Friend, learning ceramics.

Cảm Giác Điêu Luyện, Thành Thục

Trải nghiệm trong việc trở nên điêu luyện, thành thục có thể được tìm thấy trong nhiều hoạt động tay chân; cảm giác này không chỉ giúp tăng sự tự tin trong lãnh vực mà một người tham gia, mà còn giúp tăng ‘niềm tin vào khả năng của bản thân’ của người đó trên nhiều bình diện. Biểu đạt nghệ thuật, đù là hội họa, sơn dầu, điêu khắc, sắp đặt, xây dựng hay làm thủ công, đều là những trải nghiệm có tính cảm quan và mang thiên hướng vận động. Một cách tự nhiên, những đặc tính này giúp hỗ trợ bồi đắp cho khả năng, năng lực và những thế mạnh cá nhân của người thực hiện. Những nỗ lực trong thực hành sáng tạo không chỉ đem lại cảm giác tự tưởng thưởng, mà còn bao gồm những khoảnh khắc hữu hình của cảm giác trở nên điêu luyện hơn từng ngày, cũng như cảm giác làm chủ bản thân, góp phần làm tăng khả năng tự đưa ra những quyết định cho cá nhân của một người.

Sự Kết Nối Của Hai Bán Cầu Não Phải

Dù thực hành nghệ thuật là một hoạt động của toàn bộ não và không giới hạn ở một bán cầu nào của não, quá trình Trị liệu nghệ thuật tận dụng ưu thế của bán cầu phải trong cả sự biểu đạt sáng tạo và mối liên hệ gắn bó tích cực giữa Nhà trị liệu và thân chủ. Đặc biệt mối liên hệ giữa Nhà trị liệu và thân chủ trong Trị liệu nghệ thuật đem lại sự chuyển hóa mà lối trị liệu chỉ thông qua trò chuyện không có có được; bởi trải nghiệm trong Trị liệu nghệ thuật là sự tổng hòa của nhiều giác quan (thị giác, xúc giác, vận động, v.v…), cùng với mối tương giao có chủ đích rõ ràng giữa Nhà trị liệu và thân chủ. Chính mối liên hệ này là yếu tố giúp củng cố ‘sức dai tinh thần’, là kết quả chủ đạo của quá trình Trị liệu nghệ thuật; bởi thông qua sự kết nối, mỗi cá nhân không chỉ được củng cố về điểm mạnh của bản thân, mà họ còn nhận được sự khỏa lấp và chữa lành.

Tóm lại, khi câu chuyện và sự thật của một người được chia sẻ, thì không những sự chữa lành sẽ diễn ra, mà điểm mạnh cá nhân và niềm tin vào năng lực của bản thân ở họ cũng được nhìn nhận. Biểu đạt nghệ thuật là một cách để truyền đạt câu chuyện mà không cần lời nói; trong nhiều trường hợp, nó trở thành cơ hội để câu chuyện của một người được kể mà không vướng vào sự đo đạc, những hạn chế, và tính phán xét của ngôn ngữ. Đây là sự trải nghiệm cốt lõi của việc thực hành nghệ thuật, và cũng cho chúng ta thấy rằng, mục đích của nghệ thuật không chỉ đơn thuần phản ánh những xung đột nội tâm, mà thực ra còn chỉ ra một con đường cho mỗi người để tiếp tục bồi đắp sự tự chủ và thân nghiệm ‘sức dai tinh thần’ của bản thân.

Mong bạn mạnh giỏi và bền bỉ tinh thần!

Nên Nói Gì Với Teen Về Việc Trị Liệu Tâm Lý

Hãy thử nói chuyện với teen lúc bạn cảm thấy bình tĩnh thay vì nói về việc trị liệu tâm lý như một mối đe dọa hoặc như một cách để chứng minh quan điểm của bạn. Biên soạn: Nguyễn Hương Linh   Ngay cả đối với người lớn, ý tưởng đi trị liệu tâm lý đã có thể là một...

read more

Làm Sao Để Biết Khi Nào Cần Đến Trị Liệu Tâm Lý?

Dịch bởi Như Ngô, CTV của MAI:tri VN Mọi người thường thắc mắc: Khi nào nên bắt đầu trị liệu? Các nhà trị liệu dùng hai thước đo chính để quyết định có cần điều trị hay không. Đó là mức độ đau buồn và mức suy giảm chức năng. Hiểu đơn giản là bạn cảm thấy đau khổ như...

read more