Dịch bởi Như Ngô, CTV của MAI:tri VN
Mọi người thường thắc mắc: Khi nào nên bắt đầu trị liệu? Các nhà trị liệu dùng hai thước đo chính để quyết định có cần điều trị hay không. Đó là mức độ đau buồn và mức suy giảm chức năng. Hiểu đơn giản là bạn cảm thấy đau khổ như thế nào về những gì bạn đang trải qua, và lo âu hay trầm cảm đang cản trở những việc bạn muốn làm (sở thích, dành thời gian cho người khác) hoặc cần làm (trường học hoặc công việc) tới mức nào.
Lo lắng một chút khi có những thay đổi trong cuộc sống của bạn hoặc người thân là điều rất bình thường. Các triệu chứng phổ biến của lo âu như lo lắng, hồi hộp, hoặc các biểu hiện trên cơ thể là khá thường gặp, đặc biệt trong tình huống căng thẳng. Hãy nhớ rằng sự thay đổi có thể đồng thời mang lại những cảm xúc khó hoặc dễ đón nhận, và có thể cần một thời gian để điều chỉnh. Một điều cần lưu ý là căng thẳng và buồn phiền đôi khi có thể vì thời gian và góc nhìn mới mà thay đổi.
Khi bị căng thẳng hoặc xuống tinh thần, nhiều người bắt đầu bằng việc nói chuyện với gia đình và bạn bè. Họ cũng dùng các kỹ năng đối phó của riêng mình để giúp giảm bớt cảm giác lo âu hoặc trầm cảm như tập thể dục, ăn uống đầy đủ và ngủ nghỉ đúng giờ. Chỉ riêng những hoạt động này đã được chứng minh là có thể cải thiện tâm trạng và sự lo âu. Ngoài ra còn có khá nhiều sách self-help (*) hay, hội thảo trực tuyến và các nhóm hỗ trợ có thể giúp giải quyết những cảm giác đó. Nếu cảm giác hồi hộp, lo lắng hoặc buồn bã vẫn tồn tại, xuất hiện thường xuyên hoặc rất dữ dội, thì đó là lúc bạn cần thiết tìm tới điều trị chuyên nghiệp. Nếu bản thân bạn cảm thấy việc tự đương đầu quá khó khăn, đấy cũng là một lý do chính đáng. Tương tự nếu bạn không có mạng lưới hỗ trợ, hoặc đã nói chuyện với người khác nhưng không thấy giúp ích gì.
Đối với chứng trầm cảm, chúng tôi thường khuyên là nếu bạn cảm thấy chán nản hầu như cả ngày trong 2 tuần trở lên, đây là lý do để tìm kiếm sự giúp đỡ. Những người khác không liên tục thấy chán nản trong nhiều ngày liên tiếp, mà thay vào đó họ có một vài lúc chùng xuống dao động tuy theo ngày, tuần hoặc năm chẳng hạn. Khi cảm thấy chán nản, bạn thường lánh khỏi các hoạt động và những điều bạn yêu thích, hoặc tránh gặp người khác. Đây là vấn đề vì nó khiến bạn cảm thấy buồn và cô đơn hơn. Hãy tìm sự trợ giúp nếu bạn nhận thấy mình rơi vào những trạng thái này và bạn không thể tự thay đổi tâm trạng.
Cả lo lắng và trầm cảm đều có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, và có thể biểu hiện ra trên cơ thể như đau đầu, đau bụng, hoặc tim đập nhanh, đổ mồ hôi, khó thở. Nếu bạn gặp các triệu chứng này thường xuyên, đấy là một lý do khác để tìm đến trị liệu. Nhiều người trở nên sợ hãi những biểu hiện này và vì thế tránh những nơi hoặc những thứ gắn với cảm giác đó, làm thu hẹp thế giới trải nghiệm của chính mình.
Hãy nhớ rằng bạn là người hiểu rõ mình nhất. Nếu bạn đang không đương đầu được theo cách mình thường làm, trị liệu có thể giúp đưa mọi thứ trở lại đúng hướng. Thực sự không bao giờ là quá sớm để đi trị liệu tâm lý nếu bạn đang bị lo âu hoặc trầm cảm. So với sau một thời gian dài cố gắng tự giải quyết, có thể bạn sẽ có những nhu cầu và mục tiêu khác với nếu bắt đầu điều trị ngay khi khó khăn xuất hiện. Đôi khi quá trình trị liệu sẽ dễ dàng hơn và ngắn hơn nếu các triệu chứng chưa kéo dài. Nhưng cũng không bao giờ là quá muộn để tìm cách điều trị, ngay cả khi biểu hiện đã kéo dài khá lâu. Cuối cùng, nếu bạn cảm thấy chính mình không cho phép mình thử cái mình muốn thử, hoặc nếu các quyết định trong cuộc sống bắt nguồn từ lo âu thay vì mong muốn của bản thân, thì đó là lý do để tìm đến trị liệu. Có những phương pháp điều trị rõ ràng, hữu ích, hiệu quả nếu bạn sẵn sàng làm phần của mình. Bạn có thể và xứng đáng được cảm thấy tốt hơn.
Lựa chọn trong cuộc sống không nên bắt nguồn từ lo lắng, sợ hãi hay buồn bã mà nên dựa trên cuộc sống mà bạn muốn có.
“Nhưng bạn hiểu chính bạn – nếu bạn thấy mình đang không cư xử giống mình, hãy tin rằng lý do đó đã đủ để tìm đến trị liệu.”
Làm thế nào để biết khi nào cần đi điều trị:
- Các triệu chứng lo âu và trầm cảm có thể là rất bình thường trước những thay đổi hoặc thách thức trong cuộc sống
- Có thể đợi một chút và quan sát cảm giác trong mình
- Cố gắng ăn ngủ tốt và tập thể dục – có thể giúp ích rất nhiều
- Cố gắng sử dụng các kỹ năng đương đầu khó khăn và các cách để tự hỗ trợ bản thân.
Đây có thể là những lý do để điều trị:
- Không bao giờ là quá sớm để đi điều trị
- Các triệu chứng thể chất thường gặp trong lo âu và trầm cảm
- Không thể làm những gì bạn muốn hoặc cần phải làm vì cảm giác không ổn
- Không thể lựa chọn cuộc sống mà bạn muốn vì sợ hãi.
Trị liệu có hiệu quả thực sự. Bạn xứng đáng có được cuộc sống đủ đầy và trù phú như bạn mong muốn.
“Nhưng bạn hiểu chính bạn – nếu bạn thấy mình đang không cư xử giống mình, hãy tin rằng lý do đó đã đủ để tìm đến trị liệu.”
Đánh Thức Lại Cảm Nhận Cơ Thể Thông Qua Nghệ Thuật Biểu Đạt
Cơ thể kể những câu chuyện mà ngôn từ có thể sẽ bỏ qua. Dù rằng ta vẫn hay dùng ngôn từ để kể về những câu chuyện cá nhân của mình, tôi tin rằng ta vẫn có thể kể những câu chuyện theo một hình thức khác. Peter Levine, người khởi xướng hình thức trị liệu thông qua trải...
Nên Nói Gì Với Teen Về Việc Trị Liệu Tâm Lý
Hãy thử nói chuyện với teen lúc bạn cảm thấy bình tĩnh thay vì nói về việc trị liệu tâm lý như một mối đe dọa hoặc như một cách để chứng minh quan điểm của bạn. Biên soạn: Nguyễn Hương Linh Ngay cả đối với người lớn, ý tưởng đi trị liệu tâm lý đã có thể là một...
Trị Liệu Nghệ Thuật Và Chứng Rối Loạn Ăn Uống: Giải Pháp Tạo Ra Sự Thay Đổi Tận Gốc
Vào mỗi dịp đầu năm mới, chúng ta sẽ liên tục nhận được những thông điệp rằng ta cần phải tạo ra những thay đổi lớn trong năm sắp tới, như việc giảm cân chẳng hạn, bằng việc thiết lập các lịch trình tập thể dục nghiêm ngặt để có một cơ thể vừa mắt, hấp dẫn, và trên...