Bài viết sẽ giúp bạn tìm hiểu về những gì bạn có thể làm để hỗ trợ người thân đối diện với các vấn đề tâm lý.

Để chứng kiến một người thân khi họ vật lộn với các triệu chứng của vấn đề tâm lý là một điều không mấy dễ dàng. Cũng thật khó để biết đâu là cách tốt nhất để giúp đỡ và hỗ trợ cho họ.

Mỗi cá nhân đều rất khác nhau, và tình huống mỗi người trải qua cũng khác nhau rất nhiều. Dưới đây là một số gợi ý để giúp bạn bước đầu tiếp cận và hỗ trợ người thương mà bạn cho rằng là họ đang phải đối mặt với một vấn đề tâm lý nào đó.

Dịch bởi Ngọt, cộng tác viên của MAI:tri, dựa theo bài viết gốc trên American Psychiatric Association.

Mature female in elderly care facility gets help from hospital personnel nurse. Senior woman w/ aged wrinkled skin & care giver, hands close up. Grand mother everyday life. Background, copy space.

Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo

Các dấu hiệu nhận biết có thể rất đa dạng. Một số ví dụ bao gồm thay đổi về giấc ngủ hoặc cảm giác thèm ăn, rút lui khỏi các tương tác xã hội hoặc gặp trở ngại trong việc thực thi các hoạt động ở trường học hoặc nơi làm việc. Xem thêm về Các Dấu hiệu Cảnh báo Vấn Đề Tâm Lý ở đây. Tuy nhiên những triệu chứng này cũng có thể là do các nguyên nhân khác, chẳng hạn như bệnh y khoa thông thường. Hãy đến kiểm tra với chuyên gia y tế để xác định rõ những thay đổi nào là đáng lo ngại. Điều quan trọng là phải giải quyết các mối lo ngại càng sớm càng tốt, vì các triệu chứng không được điều trị của bệnh tâm lý có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian.

Khởi đầu cuộc trò chuyện

Một trong những bước khó nhất – nhưng cũng quan trọng nhất – là bắt đầu một cuộc trò chuyện với người thương của bạn về điều bạn đang quan ngại. Bạn không cần phải là một chuyên gia. Bạn không cần phải biết tất cả các câu trả lời. Hãy chỉ bắt đầu bằng cách bày tỏ mối quan ngại của bạn, cũng như cho họ thấy rằng bạn sẵn sàng lắng nghe và ở bên cạnh họ. Đừng ngại nói về điều đó. Hãy đảm bảo với họ rằng bạn quan tâm đến họ và luôn ở đó cho họ. Hãy sử dụng mệnh đề nói về bản thân bạn, “Tôi/Con/Mẹ/Ba…” (bắt đầu với ngôi thứ nhất). Ví dụ: hãy thử nói “Mẹ lo lắng về con …” hoặc “Con muốn ba cân nhắc về việc nói chuyện với một cố vấn tâm lý….” Nên tránh những câu khẳng định như “Con là….” hoặc “Ba cần” hoặc “Mẹ nên….”

Hãy cố gắng thể hiện sự kiên nhẫn và quan tâm. Tránh phán xét về những suy nghĩ và hành động mà họ thể hiện. Hãy lắng nghe.

Cố gắng khuyến khích họ trò chuyện với một Chuyên viên Tâm lý hoặc hoặc người chăm sóc của họ – bất cứ ai khiến họ cảm thấy sẵn sàng mở lòng. Đối với một số người, có thể sẽ hữu ích nếu cho họ thấy rằng các vến đề tâm lý cũng như bao bệnh lý y khoa khác, như bệnh tiểu đường hoặc huyết áp cao. Khi họ mắc các bệnh này, chẳng phải họ cũng cần được hỗ trợ y tế đó sao?

Khẳng định lại với họ rằng tìm kiếm sự giúp đỡ là một dấu hiệu của sự mạnh mẽ.

Tự giáo dục bản thân về Sức Khỏe Tinh Thần

Hãy trở nên hiểu biết hơn về vấn đề này. Càng hiểu biết nhiều, bạn càng có thể đưa ra nhiều gợi ý hữu ích để hỗ trợ cho người thương của mình.

Lưu ý xem xét cẩn trọng các nguồn thông tin tham khảo của bạn, đặc biệt là khi bạn tìm hiểu từ các nguồn trên mạng. Như với bất kỳ chủ đề nào, chất lượng của thông tin trực tuyến cũng khá đa dạng.

“…tìm kiếm sự giúp đỡ là

một dấu hiệu của sự mạnh mẽ.”

Sporty woman climbing on the cliff. Success with teamwork.

Hỗ trợ giải quyết những rào cản khác

Hãy cố gắng dự liệu và hỗ trợ những rào cản tiềm ẩn đối với người đang cần sự trợ giúp. Ví dụ như tìm hiểu về các nguồn lực hỗ trợ sẵn có tại địa phương của người đó. Hãy cân nhắc tìm hiểu về cách hoạt động tại địa phương, cũng như những thông tin cụ thể như giờ giấc, địa điểm, và các yêu cầu liên quan đến bảo hiểm. Cùng họ tìm ra giải pháp cho những vấn đề liên quan đến phương tiện di chuyển, chăm sóc con cái, cách trao đổi về vấn đề này với cơ quan của họ, v.v…

Tìm kiếm sự hỗ trợ cho bản thân bạn

Trong khi đang tập trung vào việc giúp đỡ một người thân yêu, một điều quan trọng khác là bạn phải biết chăm sóc cho chính mình nữa – cả về thể chất và cảm xúc. Hãy tìm kiếm sự trợ giúp khi bạn cần. Nhận biết và thừa nhận giới hạn của bản thân về những thứ bạn có thể làm được.

Blogger Victoria Maxwell viết: “Khi mẹ tôi mắc chứng dao động tâm trạng (mood swing) giữa trầm cảm nặng, hưng cảm và lo âu, tôi vừa lo lắng vừa tức giận. Tôi cần một nguồn lực bên ngoài gia đình để có thể thoải mái thảo luận về những nỗi thất vọng và tổn thương của mình mà không làm mẹ buồn. Tôi tìm đến một Nhà trị liệu có trình độ để có được những góc nhìn rõ ràng khách quan, và những giải pháp mà bản thân không nghĩ tới; cũng như đó là một nơi giúp tôi giải tỏa một cách an toàn những cảm xúc dâng trào từ những tình huống thách thức như vậy. “

Các nhóm hỗ trợ dành cho các thành viên trong gia đình, chẳng hạn như những nhóm có sẵn thông qua Liên minh Quốc gia về Bệnh Tâm lý (NAMI) và Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ (MHA) có thể là nguồn thông tin có giá trị và nguồn lực hỗ trợ lẫn nhau. NAMI cung cấp cả chương trình đào tạo dành cho gia đình (“Family-to-Family”) và các nhóm hỗ trợ đồng đẳng liên tục cho các thành viên trong gia đình.

Bổ sung thông tin từ Nhóm Dịch: Bạn có thể tham khảo Danh Bạ Các Dịch Vụ Hỗ Trợ Sức Khoẻ Tinh Thần Cho Cộng Đồng Người Việt Và Các Cá Nhân Sinh Sống Làm Việc Tại Việt Nam, do nhóm Kết nối Khoa học với Công chúng (PCE) thuộc Đơn vị Nghiên cứu Lâm Sàng Đại học Oxford tại Việt Nam (OURCU-VN) đã thực hiện nghiên cứu và hoàn thành tại đây.

Đồng hành dài hạn cùng người thương

Phục hồi từ những vấn đề tinh thần không phải là một tiến trình trực diện và ngay lập tức. Thông thường, sẽ có những giai đoạn thăng trầm, có những lúc tiến triển khả quan và những giai đoạn tệ đi. Hãy sẵn sàng hỗ trợ và động viên cho người thân yêu của bạn về lâu dài, chứ không chỉ trong giai đoạn khủng hoảng tức thời. Nếu thành viên gia đình của bạn đồng ý, bạn có thể làm việc với các chuyên gia trong nhóm chăm sóc của họ để hỗ trợ họ và tham gia vào việc lập kế hoạch điều trị.

Ngay cả khi bạn cảm thấy sự hỗ trợ và hành động của mình không tạo ra mấy sự khác biệt, thì khả năng cao là chúng vẫn tạo ra sự khác biệt cho bạn bè hoặc thành viên gia đình của bạn. Có thể là người thân của bạn đang bị tổn thương quá nhiều để bày tỏ, thể hiện cho bạn thấy.

Bài viết được đánh giá chất lượng bởi

Isabel Norian, M.D.

Chuyên gia điều trị Tâm lý

Thành viên thuộc APA Council on Communications

Nên Nói Gì Với Teen Về Việc Trị Liệu Tâm Lý

Hãy thử nói chuyện với teen lúc bạn cảm thấy bình tĩnh thay vì nói về việc trị liệu tâm lý như một mối đe dọa hoặc như một cách để chứng minh quan điểm của bạn. Biên soạn: Nguyễn Hương Linh   Ngay cả đối với người lớn, ý tưởng đi trị liệu tâm lý đã có thể là một...

read more

Làm Sao Để Biết Khi Nào Cần Đến Trị Liệu Tâm Lý?

Dịch bởi Như Ngô, CTV của MAI:tri VN Mọi người thường thắc mắc: Khi nào nên bắt đầu trị liệu? Các nhà trị liệu dùng hai thước đo chính để quyết định có cần điều trị hay không. Đó là mức độ đau buồn và mức suy giảm chức năng. Hiểu đơn giản là bạn cảm thấy đau khổ như...

read more