“…tôi vẫn không phải là một chuyên gia về thân chủ của mình – chính họ mới là người giữ chìa khóa về thế giới bên trong của họ.”

Nhân ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10/10, tôi muốn chia sẻ với các bạn 6 chiêm nghiệm tôi rút ra sau 6 năm làm trị liệu nghệ thuật (2 năm thực tập trong chương trình thạc sĩ và 4 năm thực hành độc lập tại Maitri VN). Đây đã là một hành trình đầy biến đổi cả về cá nhân lẫn chuyên môn. Và đây là 6 bài học tôi đã rút ra.

Viết bởi Nguyễn Hương Linh, Thạc sỹ Trị liệu nghệ thuật tại Maitri VN.

1. Sáng Tạo Nghệ Thuật Giúp Nuôi Dưỡng Kết Nối Trong và Ngoài

một nhà trị liệu nghệ thuật, việc sáng tạo nghệ thuật không chỉ là cách để tôi giữ kết nối với ngôn ngữ của sáng tạo, nạp lại năng lượng; đây còn là một thực hành thiết yếu cho việc nuôi dưỡng và chăm sóc bản thân. Sau nhiều giờ lắng nghe và thấu cảm với thân chủ, tôi quay lại với nghệ thuật để giải phóng và xử lý cảm xúc của chính mình.
Tôi thường thử nghiệm các chất liệu mới hoặc ghé thăm lại những tác phẩm cũ hoặc biến chúng thành một điều gì đó hoàn toàn mới (reproducing). Điều này giúp tôi duy trì sự kết nối với sự sáng tạo và thực hành an trú trong hiện tại khi phải đối diện với những cảm xúc khó.
This photo was taken from the National Guard team that helped put out the fires in San Francisco.

2. Sức Mạnh Của Sự Khiêm Cung

Một trong những bài học quan trọng nhất tôi học được là giữ cho mình sự khiêm cung, hay khiêm tốn. Dù tôi có hiểu biết đến cỡ nào về các kiến thức tâm lý hay khung trị liệu thì tôi vẫn không phải là một chuyên gia về thân chủ của mình – chính họ mới là người giữ chìa khóa về thế giới bên trong của họ.
Vai trò của tôi không phải là người cung cấp tất cả câu trả lời mà là tạo ra một không gian an toàn để họ tự khám phá và tìm ra những hiểu biết của riêng mình. Tôi thường nhắc nhở bản thân rằng sự tò mò chân thành và cởi mở hiệu quả hơn nhiều so với việc tin rằng mình biết điều gì là tốt nhất với người khác.

3. Giữ “Thuốc” Cho Đến Khi Đủ “Duyên”

Ngay cả khi tôi cảm thấy rất rõ ràng điều gì có thể giúp ích cho một thân chủ, nhưng một nhà trị liệu tinh tế cần có sự kiên nhẫn. Tôi đã học được rằng, nếu can thiệp (intervene) hoặc cung cấp góc nhìn (insight) quá sớm, dù có ý tốt đi chăng nữa, cũng có thể phản tác dụng hoặc không hiệu quả, thậm chí vô tình lấy đi quyền tự chủ và sự trao quyền của thân chủ.
Điều này đòi hỏi tôi phải thực hành chánh niệm, học cách cơi nới khả năng giữ lại cảm xúc và dung chứa chính sự nôn nóng của mình. Những thay đổi mạnh mẽ thường đến khi thân chủ thực sự sẵn sàng đón nhận điều tôi mang tới.

Những thay đổi mạnh mẽ thường đến khi thân chủ thực sự sẵn sàng đón nhận điều tôi mang tới.

4. Sự Hỗ Trợ Là “Xăng” Để Đi Đường Dài

Từ những năm đầu thực hành tôi đã sớm nhận ra rằng mình không thể làm việc này một mình. Việc tham gia giám sát (supervision) với các chuyên gia nhiều kinh nghiệm song song với việc nhận hỗ trợ từ đồng nghiệp đã giúp tôi rất nhiều trong việc xử lý cảm xúc cá nhân và tìm ra những lối đi có lợi cho thân chủ.
Nhìn từ bên ngoài trong 1 phiên trị liệu chỉ có một mình tôi và thân chủ nhưng thực ra đằng sau đó là cả một hệ thống hỗ trợ cho tôi, gồm rất nhiều người, để làm công việc này.

5. Linh Hoạt Trong Phương Pháp Trị Liệu

Không có phương pháp trị liệu nào phù hợp cho tất cả, và cũng không có phương pháp trị liệu nào chẳng hiệu quả với ai. Một sự đầu tư mà tôi đã sớm nhận ra kể từ sau khi tốt nghiệp đó là việc tích hợp các phương pháp khác nhau có thể giúp tôi phục vụ thân chủ tốt hơn. Tất nhiên hướng tiếp cận đa dạng này cần có sự khéo léo và có chỉ dẫn của những nhà giám sát nhiều kinh nghiệm.
Tôi rất biết ơn vì đã có cơ hội được đào tạo chính quy bởi các chuyên gia quốc tế vừa có tâm vừa có tuệ trong các liệu pháp như Hệ Thống Gia Đình Nội Tâm (IFS), DBT và Somatic Experiencing. Có một bộ công cụ đa dạng giúp tôi linh hoạt thích ứng với nhu cầu của từng thân chủ, cũng như các giai đoạn khác nhau của cùng một thân chủ.

6. Bản Lĩnh Với Việc Nói “Không”

Không phải thân chủ nào cũng phù hợp với cách tiếp cận và làm việc của tôi, và không phải lúc nào tôi cũng là nhà trị liệu phù hợp nhất với thân chủ.
Học cách nói “không” đã trở thành một bài học quan trọng về sự khiêm nhường và đạo đức hành nghề. Nói “không” không có nghĩa là tôi không quan tâm hay thờ ơ, mà là tôi tôn trọng hành trình của thân chủ và muốn đảm bảo họ nhận được sự giúp đỡ cần thiết và phù hợp. Vì vậy đôi khi tôi sẽ chuyển gửi thân chủ đó sang một nhà trị liệu mà tôi tin là phù hợp hơn mình.
6 năm là một quãng thời gian chưa nhiều nhưng những bài học này đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Linh với tư cách là một nhà trị liệu nghệ thuật và tiếp tục định hình cách Linh tiếp cận công việc này.
Tôi biết ơn những trải nghiệm và những thân chủ đã dạy tôi rất nhiều trong suốt hành trình này. Xin cảm ơn những người thầy của tôi.

Nên Nói Gì Với Teen Về Việc Trị Liệu Tâm Lý

Hãy thử nói chuyện với teen lúc bạn cảm thấy bình tĩnh thay vì nói về việc trị liệu tâm lý như một mối đe dọa hoặc như một cách để chứng minh quan điểm của bạn. Biên soạn: Nguyễn Hương Linh   Ngay cả đối với người lớn, ý tưởng đi trị liệu tâm lý đã có thể là một...

read more

Làm Sao Để Biết Khi Nào Cần Đến Trị Liệu Tâm Lý?

Dịch bởi Như Ngô, CTV của MAI:tri VN Mọi người thường thắc mắc: Khi nào nên bắt đầu trị liệu? Các nhà trị liệu dùng hai thước đo chính để quyết định có cần điều trị hay không. Đó là mức độ đau buồn và mức suy giảm chức năng. Hiểu đơn giản là bạn cảm thấy đau khổ như...

read more