Hãy thử nói chuyện với teen lúc bạn cảm thấy bình tĩnh thay vì nói về việc trị liệu tâm lý như một mối đe dọa hoặc như một cách để chứng minh quan điểm của bạn.

Biên soạn: Nguyễn Hương Linh

 

Ngay cả đối với người lớn, ý tưởng đi trị liệu tâm lý đã có thể là một viên thuốc khó nuốt. Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn là một thiếu niên, cơ thể đang thay đổi, hàng ngày đối diện với những áp lực từ bạn bè và thường xuyên luẩn quẩn trong những thử thách hàng ngày, chưa kể lúc nào cũng để ý bản thân mọi lúc mọi nơi. Hãy thử tưởng tượng thêm một bước nữa, với tư cách là bạn teen này và luôn cảm thấy ở bên trong như “có điều gì đó không ổn” hoặc “sai sai”. Những suy nghĩ này sau đó được chính thức xác nhận khi bố mẹ ngồi xuống và củng cố những gì bạn đang nghĩ bằng cách nói “Có lẽ đã đến lúc con cần được giúp đỡ. Bố mẹ được giới thiệu một nhà trị liệu tên là… ”.

Một số người trong chúng ta, tuy không phải tất cả, có thể cảm thấy xấu hổ khi thừa nhận rằng chúng ta cần giúp đỡ hoặc không thể tự giúp mình, và cảm giác xấu hổ này có thể ở mức quá tải. Đối với một số khác, việc ai đó nhìn thấy nỗi đau của họ có thể là một sự nhẹ nhõm và có thể đón nhận hướng dẫn để vượt qua nó.

Phản ứng của teen đối với cuộc trò chuyện về trị liệu tâm lý có thể là điều bạn mong đợi hoặc khiến bạn ngạc nhiên. Bạn có thể nhận được sự thách thức, phản kháng, tức giận, lo lắng, phòng thủ, cô lập hoặc bất kỳ hành vi nào khác. Vấn đề là, cha mẹ hay thầy cô giáo không phải lúc nào cũng biết teen sẽ phản ứng như thế nào với chủ đề này. Thật không may, một số người lớn nói về việc trị liệu tâm lý như một lời đe dọa, ngụ ý rằng đó là một hình phạt và cho rằng những cuộc đấu tranh về sức khỏe tâm thần của con em họ là một thứ gì đó sai trái, không đáng có.

Chúng tôi muốn thay đổi quan điểm của các gia đình về trị liệu tâm lý và giúp bạn trình bày về chủ đề này với teen không chỉ như một hình thức điều trị hay “phương sách cuối cùng” cho các vấn đề nghiêm trọng. Vì vậy, dưới đây chúng tôi xin gợi ý một số cách để giúp nói chuyện một cách suôn sẻ với các bạn teen/thanh thiếu niên về việc tham gia trị liệu tâm lý:

0. Cùng teen đưa ra quyết định trị liệu

Các chuyên gia tâm lý sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn hơn trong việc hình thành mối liên hệ với teen nếu teen bị ép buộc đưa tới và phải nói chuyện, trái với ý muốn của chúng. Những hành vi không hợp tác thường bắt nguồn từ sự sợ hãi, xấu hổ về cuộc đấu tranh bên trong. Để tránh điều này, cha mẹ nên bắt đầu một cuộc đối thoại bằng cách trấn an rằng cha mẹ rất yêu thương con và mong muốn giúp con bạn cảm thấy hài lòng về bản thân, thay vì suy nghĩ muốn thay đổi con vì “con bị làm sao”, hoặc “không bình thường”.

1. Chọn đúng thời điểm để trò chuyện

Giữ bình tĩnh và nhận biết những cảm giác lo lắng mà bạn có thể có trước khi nói chuyện với con (hoặc em, cháu) mình. Teen rất nhạy cảm và có thể “đọc vị” cảm xúc của bạn. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy không thoải mái, teen cũng sẽ nhận thấy và cảm thấy khó chịu theo. Hãy thử nói chuyện với teen lúc bạn cảm thấy bình tĩnh thay vì nói về việc trị liệu tâm lý như một mối đe dọa hoặc như một cách để chứng minh quan điểm của bạn.

2. Xác định vấn đề

Bạn cần học cách diễn đạt bằng lời các hành vi của teen mà bạn đã quan sát được và khiến bạn lo lắng, như sa sút bài vở ở trường, tự cô lập và rút lui, thay đổi mạnh về ngoại hình không phù hợp với sự phát triển, thay đổi nhóm bạn cùng lứa tuổi, thay đổi đột ngột về cảm giác thèm ăn và cân nặng, tức giận bộc phát, bị ám ảnh thái quá, tự làm hại bản thân, sử dụng chất kích thích, thay đổi người yêu liên tục, tăng động, ảo giác âm thanh hoặc hình ảnh, rối loạn giấc ngủ và bất cứ điều gì khác có thể có vẻ không ổn đối với con bạn. Bạn cũng có thể chia sẻ về việc trị liệu tâm lý cũng rất hữu ích đối với bạn (nếu đã trải nghiệm) hoặc với ai đó bạn biết; ngoài ra cũng nên trấn an teen rằng bạn hiểu việc nói chuyện một người lạ có thể khó khăn cho teen nhưng chuyên gia tâm lý sẽ lắng nghe mà không phán xét và bảo mật của những gì teen sẽ chia sẻ.

“Bản thân bạn cũng cần bình thường hóa việc nhận trợ giúp từ chuyên gia tâm lý…”

Rainbow craft

3. Tháo gỡ những định kiến về trị liệu tâm lý

Hãy kiểm tra niềm tin của chính bạn về trị liệu tâm lý và ý nghĩa của việc tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý. Hãy cho teen của bạn biết rằng việc tìm kiếm sự trợ giúp từ chuyên gia tâm lý cho những gì đang xảy ra trong thế giới nội tâm cũng giống như việc đi khám bác sĩ khi bị ốm. Nếu bạn bị ốm và uống thuốc tại nhà không hiệu quả, bạn đến bác sĩ để được cấp thuốc. Trị liệu tâm lý cũng hoạt động theo cách tương tự, nếu bạn đang gặp khó khăn và những cách bạn thường dùng để đối phó với tình thế không còn hiệu quả hoặc không còn lành mạnh nữa, thì bạn nên liên hệ với một chuyên gia tâm lý được tham vấn thêm.

4. Có lòng trắc ẩn với chính mình và với bạn teen

Cuộc trò chuyện có thể không diễn ra theo cách bạn đã lên kế hoạch. Không sao cả, bạn luôn có thể yêu cầu thử quay lại cuộc trò chuyện trong vài ngày tới. Cách này không chỉ cho teen thấy rằng người lớn không hoàn hảo (do đó teen cũng không cần phải cố gắng hoàn hảo) mà còn là cách bắt đầu làm quen với cảm giác không thoải mái.

5. Trao quyền cho teen

Một trong những cảm giác khó chịu nhất là sự bất lực khi đứng trước các lựa chọn về cuộc sống của chúng ta. Hãy nghĩ xem khi nào bạn cảm thấy bất lực và điều đó ảnh hưởng đến bạn như thế nào (có phải tại nơi làm việc khi sếp yêu cầu bạn làm điều gì đó mà bạn không đồng ý không?). Sau đó hãy nhớ lại cảm giác đó khi nói chuyện với con của bạn. Có khả năng là teen đang cảm thấy tương tự. Vì vậy:

A. Đưa ra các phương án.

Trị liệu tâm lý có thể là bước đầu tiên đáng sợ đối với teen. Bạn có thể cung cấp cho teen các lựa chọn về chuyên gia để nói chuyện và phương pháp trị liệu để teen có thể hiểu rõ hơn và kiểm soát tốt hơn trải nghiệm của mình. Những ví dụ bao gồm:

  • Nói chuyện với một người lớn đáng tin cậy như chuyên gia cố vấn học đường ở trường, một người lớn teen tin tưởng…
  • Tham gia trị liệu âm nhạc hoặc nghệ thuật (music therapy, art therapy…)
  • Trị liệu nhóm

B. Hãy thỏa thuận.

Đừng hối lộ để con bạn đi trị liệu tâm lý mà hãy thỏa hiệp sao cho xứng đáng với thời gian của teen và cả của bạn nữa. Một ví dụ có thể là cho phép con bạn chọn nơi đi ăn con thích sau các phiên trị liệu, hoặc tăng thời gian sử dụng thiết bị điện tử hoặc thời gian đi chơi với bạn bè.

6. Trở thành tấm gương cho teen

Bản thân bạn cũng cần bình thường hóa việc nhận trợ giúp từ chuyên gia tâm lý khi có những lo lắng về sức khỏe tâm thần bằng cách tự tìm đến chuyên gia trị liệu và cởi mở chia sẻ về trải nghiệm của bạn.

Trò chuyện kiểu này với teen có thể khiến cảm thấy hơi quá nhưng bạn không nhất thiết phải chia sẻ những gì bạn không muốn. Cách này có thể mang hai người đến gần nhau hơn thay vì đẩy nhau ra xa. Hãy lắng nghe bản năng của bạn và rất để ý về nơi bạn trò chuyện với teen (tìm nơi riêng tư, không có những người khác trong nhà, đặc biệt là anh chị em và bạn bè của teen). Và phải để ý những gì bạn đang nói cũng như cách bạn diễn đạt bản thân. Hãy nhớ rằng teen cũng có tiếng nói và không có cách phản ứng nào là “bình thường” cả. Hãy cho teen không gian để nói chuyện và chia sẻ chân thành với bạn, tránh ra lệnh hay chỉ bảo giáo điều rằng teen cần phải làm gì.

Làm Sao Để Biết Khi Nào Cần Đến Trị Liệu Tâm Lý?

Dịch bởi Như Ngô, CTV của MAI:tri VN Mọi người thường thắc mắc: Khi nào nên bắt đầu trị liệu? Các nhà trị liệu dùng hai thước đo chính để quyết định có cần điều trị hay không. Đó là mức độ đau buồn và mức suy giảm chức năng. Hiểu đơn giản là bạn cảm thấy đau khổ như...

read more