Cơ thể kể những câu chuyện mà ngôn từ có thể sẽ bỏ qua.
Dù rằng ta vẫn hay dùng ngôn từ để kể về những câu chuyện cá nhân của mình, tôi tin rằng ta vẫn có thể kể những câu chuyện theo một hình thức khác. Peter Levine, người khởi xướng hình thức trị liệu thông qua trải nghiệm cơ thể (Somatic Experiencing) khẳng định rằng cơ thể lưu giữ những ký ức về sang chấn thông qua tư thế, cử chỉ, chuyển động, hơi thở và các phản ứng khác trên cơ thể của một người. Không phải cá nhân nào cũng chia sẻ về câu chuyện của họ trong các buổi Trị liệu biểu đạt nghệ thuật (Expressive Art Therapy), nhưng cơ thể của họ sẽ luôn thay lời để kể lên những căng thẳng, chấn động mà họ đã phải trải qua.
Dịch bởi Ngọt, cộng tác viên của MAI:tri, dựa theo bài viết gốc của Cathy Malchiodi PhD, LPCC, LPAT, ATR-BC, REAT trên Psychology Today.
Tôi cảm nhận được những câu chuyện này thông qua cách mà một người bước vào văn phòng, ngồi xuống ghế và tương tác cùng với tôi, cũng như qua các bài tập vẽ để quét và cảm nhận cơ thể (body scan); tôi hay yêu cầu thân chủ rằng “hãy sử dụng các màu vẽ, hình dạng, đường nét hoặc các hoa văn để mô tả những cảm xúc hay cảm giác tại các vị trí trên cơ thể”. Theo Levine, những dấu ấn trên cơ thể này cũng quan trọng không kém gì những câu chuyện được kể bằng ngôn từ; khi câu chuyện được kể bởi cơ thể thay đổi theo thời gian, thì cách mà một người cử động và di chuyển cơ thể cũng thay đổi. Tương tự như vậy, Ogden và Fisher, nổi tiếng với Liệu pháp tâm lý giác quan-vận động (Sensorimotor Psychotherapy), khẳng định rằng các cảm giác và chuyển động của cơ thể là những nguồn góp phần vào việc thiết lập ý nghĩa (của sự kiện).
Các thực hành để hỗ trợ tạo nên cảm giác an toàn, khả năng tự điều chỉnh cảm xúc và hành vi, cũng như sự an trú với cơ thể là nền tảng để các câu chuyện mới trên thân được kể. Tùy thuộc vào từng cá nhân, những câu chuyện kể này có thể được thể hiện bằng chuyển động, âm thanh, hành động hoặc hình ảnh, hay sự kết hợp của nghệ thuật biểu đạt. Khi có một biến chuyển nào đó trên thân diễn ra, tôi thấy thân chủ bắt đầu trở nên vui tươi và ngẫu hứng hơn, một lần nữa cảm thấy thoải mái với cảm giác sống động của chính họ.
Tuy nhiên, đối với nhiều người có những sang chấn tâm lý, đây có thể là một quá trình chuyển đổi khó khăn vì cơ thể phải tái thiết lại khả năng cảm nhận cảm giác dễ chịu, trong khi bản thân họ bấy lâu nay vẫn mang niềm tin rằng sự dễ chịu là không hi hữu vì nó gắn liền với cảm giác đau khổ, xấu hổ hoặc tội lỗi. Ví dụ sau đây mô tả cách một cá nhân đấu tranh với thử thách này và đánh thức lại cảm nhận cho cơ thể của mình thông qua một số thực hành.
Đánh thức lại sức sống trên cơ thể
Anthony là một quân y 27 tuổi, anh được giới thiệu đến với tôi vì những phản ứng căng thẳng hậu sang chấn như chứng tăng động biểu hiện qua sự lo lắng, cơn giận, cũng như những khó khăn anh gặp phải đối với các mối quan hệ. Anh ấy đã được điều trị với một nhà tâm lý học khác qua ít nhất ba buổi trị liệu EMDR (Eye movement desensitization and reprocessing – Trị liệu Giải cảm ứng và Tái thiết lập bằng các chuyển động nhãn cầu) và trị liệu bằng lời nói, nhưng bác sĩ trị liệu của anh ấy không thể gặp anh ấy được nữa do các vấn đề sức khỏe cá nhân. Anh ấy đến phòng khám của tôi để tham gia thêm các buổi trị liệu EMDR vì anh ấy cảm thấy bản thân đang tiến bộ với phương pháp này và cần được tiếp tục can thiệp theo dõi.
Sau khi lấy một vài thông tin về tiểu sử cá nhân và làm quen với nhau, Anthony đã nói một điều khiến tôi cảm thấy rúng động vào lúc đó: “Vì sao mà những ký ức của tôi lại sống động hơn chính tôi? Tôi không thể kiểm soát sự lo lắng của mình, nhưng cơ thể tôi cảm thấy trống rỗng và vô hồn.”
Trong bài tập quét và cảm nhận cơ thể, Anthony đã hoàn thành bức tranh theo cách mà nhiều thân chủ mất kết nối với các cảm giác trên thân mô tả về trải nghiệm của họ. Đối với những người quen thuộc với hình thức Trị liệu Giải cảm ứng và Tái thiết lập bằng các chuyển động nhãn cầu (EMDR), một ký ức mục tiêu thường bao gồm những hình ảnh, niềm tin tiêu cực và cảm giác trên cơ thể có liên quan đến ký ức đó; ký ức này sẽ được chọn làm trọng tâm của phiên.
Khi tôi hỏi Anthony về mục tiêu trọng tâm trong những buổi trị liệu trước đây, anh ấy nói rằng nhà tâm lý và anh ấy chủ yếu tập trung vào cuộc ly hôn của anh ấy với người vợ chung sống 5 năm; đây là nguồn gây căng thẳng lớn vì anh ấy cũng đánh mất nhiều mối quan hệ khi cuộc hôn nhân tan vỡ. Khi chúng tôi tiếp tục thảo luận về vấn đề này, tôi bắt đầu nhận thấy Anthony dường như là một cá nhân có tổn thương nghiêm trọng, qua tư thế cứng nhắc lẫn nhịp điệu nhanh trong lời nói của anh ấy. Khi tôi hỏi thêm liệu chúng tôi có cần làm việc thêm với ký ức đó hay không, và còn điều gì khác cần làm việc cùng hay không, Anthony một lần nữa khiến tôi ngạc nhiên khi nói: “Tôi nghĩ lần này chúng ta cần làm việc cùng với ký ức về vụ nổ IED (thiết bị nổ tự chế)”. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng đây là một ký ức Anthony đã vô tình không đề cập đến trong các phiên trị liệu với nhà tâm lý trước đây của anh ấy. Khi anh cung cấp những chi tiết ban đầu về sự kiện này, tôi có thể dễ dàng nhận thấy cơ thể anh ấy bắt đầu có những phản ứng như căng thẳng và kích động.
Một cách ngắn gọn, vụ nổ đã gây ra cái chết của một số binh sĩ vì một sự cố bất thường có liên quan đến nhiều thiết bị nổ không may diễn ra. Tôi hỏi Anthony rằng ký ức nổi trội nhất về thời gian đó là gì, anh ấy trả lời rằng đó là khi nghe bác sĩ chữa trị thông báo: “những người lính đã qua đời”. Khi tôi yêu cầu anh ấy chọn ra một từ để mô tả niềm tin tiêu cực mà anh ấy có về bản thân vào thời điểm hiện tại, anh nói không chút do dự, “Không đủ năng lực. Lẽ ra chúng tôi phải nhanh hơn. Chúng tôi đã làm hỏng nhiệm vụ và mọi người đã chết.”
Tại thời điểm này, chúng tôi dừng lại một lúc và một lần nữa xem qua bản vẽ quét và cảm nhận cơ thể mô tả những cảm giác mà anh ấy đang trải qua. Tương tự như bức vẽ ban đầu của mình, Anthony vẽ về những cảm giác tiêu cực của mình ở xung quanh bên ngoài đường viền, lần này là những cảm giác như là đâm chích. Trong EMDR, chúng tôi cũng yêu cầu các cá nhân thiết lập nhận thức tích cực mới, một tuyên bố thể hiện niềm tin mà người đó muốn có về bản thân. Anthony đã mất một lúc lâu để nói thành lời rằng, “Tôi có năng lực và tôi đã làm tốt nhất vào thời điểm đó. Nhưng tôi đã không thể cứu những người anh em của tôi.” Anh ấy có sự phản kháng với niềm tin tích cực mới này, nhưng cuối cùng đã cho phép bản thân đồng ý với nó, chỉ là vào thời điểm đó, anh ấy đã cảm thấy chưa thể chấp nhận được.
Các thực hành để hỗ trợ tạo nên cảm giác an toàn, khả năng tự điều chỉnh cảm xúc và hành vi, cũng như sự an trú với cơ thể là nền tảng để các câu chuyện mới trên thân được kể.
Thông qua một loạt liệu pháp chuyển động của mắt (EMDR) để khiến Anthony bớt nhạy cảm với những cảm giác tiêu cực trong cơ thể, anh ấy đã có thể nhìn nhận được rằng mình đã cố gắng hết sức có thể, vì những người lính đã khuất vốn không có cơ hội sống sót. Anh ấy bảo rằng sự căng thẳng và kích động khó chịu đã tan biến, nhưng vẫn còn đọng lại một nỗi buồn trong lòng và đây là điều khá dễ hiểu; anh nói rằng “Tôi vẫn cảm thấy một sự tê liệt cảm xúc ở bên trong. Những người tốt đã chết vào ngày hôm đó.”
Đối với Anthony, việc loại bỏ cảm giác thể lý liên quan đến ký ức về cái chết của đồng đội do sự cố nổ nhiều thiết bị là một bước đầu cần thiết. Nhưng chỉ buông bỏ cảm giác đó chưa giúp kể lại một câu chuyện mới trên cơ thể. Đối với Anthony, việc tê liệt trước các cảm giác và cảm xúc đã trở thành câu chuyện thống trị trên thân; anh ấy đã có thể nói về việc giải tỏa lo lắng và nỗi tức giận của mình, nhưng anh ấy vẫn tiếp tục cảm thấy hẫng hụt và trống rỗng bên trong và chưa thể có những tương tác xã hội. Hai cách tiếp cận mà tôi đã giới thiệu với anh ấy trong các buổi trước đặc biệt hữu ích để hỗ trợ quá trình “tái cảm nhận”— đó là lòng tự trắc ẩn và sự chánh niệm đối với sang chấn của bản thân.
Cả hai cách thực hành không những đã giúp Anthony cho phép bản thân bắt đầu với quá trình đau buồn (grief) trước cái chết của những người lính, mà còn đã giúp anh ấy từ từ và cẩn trọng cảm nhận lại những cảm giác và cảm xúc trên cơ thể của chính mình. Một lời khuyên khác của tôi dành cho Anthony là hãy tập luyện thể chất nhiều hơn như võ thuật, thái cực quyền hoặc yoga để tiếp tục cải thiện sức khỏe của cơ thể. Lời khuyên như thế này sẽ phù hợp và dễ kết nối với những người lính đã có thói quen rèn luyện cơ thể cho các nhiệm vụ thể chất, tuy nhiên họ còn có thể nhận được lợi lạc từ việc rèn luyện cơ thể theo một cách khác.
Anthony đã quyết định tham gia một lớp học yoga hằng ngày và kết hợp với thực hành lòng từ bi với bản thân, anh đã có thể từ từ cho phép cơ thể mình bắt đầu với quá trình đau buồn. Anh ấy cũng có thể khám phá những câu chuyện về cảm giác được kể lại trên cơ thể mình bao gồm cảm giác làm chủ, sự dễ chịu và những mối tương tác mang lại sự hài lòng. Như bao người từng đi qua khỏi sang chấn, việc tái kết nối với cơ thể là sẽ phát huy tác dụng hơn nếu nó được thực hiện ngay cả khi các buổi trị liệu tại phòng khám tâm lý đang không diễn ra. Dù bằng phương pháp nào, việc dần dần cảm nhận lại “sức sống” là một quá trình hồi phục chắc chắn sẽ giúp tạo ra một cảm giác mới về bản thân.
6 Điều Tôi Đã Học Được Sau 6 Năm Thực Hành Trị Liệu Nghệ Thuật
"...tôi vẫn không phải là một chuyên gia về thân chủ của mình – chính họ mới là người giữ chìa khóa về thế giới bên trong của họ." Nhân ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10/10, tôi muốn chia sẻ với các bạn 6 chiêm nghiệm tôi rút ra sau 6 năm làm trị liệu nghệ...
Nên Nói Gì Với Teen Về Việc Trị Liệu Tâm Lý
Hãy thử nói chuyện với teen lúc bạn cảm thấy bình tĩnh thay vì nói về việc trị liệu tâm lý như một mối đe dọa hoặc như một cách để chứng minh quan điểm của bạn. Biên soạn: Nguyễn Hương Linh Ngay cả đối với người lớn, ý tưởng đi trị liệu tâm lý đã có thể là một...
Làm Sao Để Biết Khi Nào Cần Đến Trị Liệu Tâm Lý?
Dịch bởi Như Ngô, CTV của MAI:tri VN Mọi người thường thắc mắc: Khi nào nên bắt đầu trị liệu? Các nhà trị liệu dùng hai thước đo chính để quyết định có cần điều trị hay không. Đó là mức độ đau buồn và mức suy giảm chức năng. Hiểu đơn giản là bạn cảm thấy đau khổ như...