Một nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, thực hành nghệ thuật giúp hỗ trợ cho việc thực hiện một công việc có tính thách thức.

Dịch bởi Ngọt, cộng tác viên của MAI:tri, dựa theo bài viết gốc của Drexel News Blog – Drexel University 

Nghiên cứu được thực hiện bởi tiến sỹ giáo dục, phó giáo sư Girija Kaimal, cùng nghiên cứu sinh Kendra Ray, tại trường Drexel’s College of Nursing and Health Professions. Nghiên cứu cho thấy, trước khi thực hiện một công việc, chỉ với 45 phút sáng tạo nghệ thuật tự do cùng sự giám sát của một Nhà trị liệu nghệ thuật sẽ giúp tăng ‘niềm tin vào năng lực bản thân’ (self-efficacy) – một thuật ngữ dùng để mô tả sự tự tin vào bản thân và khả năng hoàn thành công việc của một cá nhân.

“Bài nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra là sau một quãng thời gian ngắn thực hành nghệ thuật, người tham gia đã có sự thay đổi cảm nhận về bản thân,” – Kaimal phát biểu. “Họ có cái nhìn khác đi về bản thân, và sự biến chuyển này không phải có được do tình cờ.”

Bài nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Arts & Health, với 39 người tham gia, độ tuổi từ 18 đến 59, họ thực hành nghệ thuật trong 45 phút tại một xưởng Trị liệu nghệ thuật. Mỗi người tham gia được tự do lựa chọn sử dụng bút lông, đất nặn, hay nguyên vật liệu xé dán để sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật theo ý của mình. Một Nhà trị liệu nghệ thuật cũng tham dự để hỗ trợ khi cần. Nhà trị liệu được phép trò chuyện cùng với người tham gia nếu người ấy chủ động tương tác với Nhà trị liệu. 

Trước và sau khi quá trình sáng tạo diễn ra, mỗi người tham gia thực hiện một bảng khảo sát gồm 10 câu hỏi để đo lường mức độ ‘niềm tin vào năng lực bản thân’ ở họ. Bảng câu hỏi bao gồm những câu mệnh đề như là, “Tôi tự tin rằng tôi có thể đối phó được với những tình huống bất ngờ” và “Tôi có thể giải quyết phần lớn các vấn đề nếu tôi nỗ lực.” Mỗi câu mệnh đề tương ứng với bốn sự lựa chọn trả lời ở bốn cấp độ khác nhau, từ “Hoàn toàn không đúng” đến “Hoàn toàn đúng.”

Theo Kaimal, 73% người tham gia có cảm nhận tích cực hơn về năng lực của bản thân sau khi hoàn thành tác phẩm nghệ thuật của mình.

Tôi rất bất ngờ khi thấy một buổi thực hành nghệ thuật chỉ kéo dài 45 phút lại có thể tạo nên sự biến chuyển trong nhận thức về bản thân của những người tham gia như vậy.” – Kaimal cho biết.

Cô cho rằng điều cốt yếu chính là ở “không gian có tính hỗ trợ và không phán xét” tạo nên trong buổi Trị liệu nghệ thuật. Khi không cảm thấy bị áp lực, sự tự tin ở người thực hành nghệ thuật sẽ được biểu hiện một cách tự nhiên.

Bên cạnh việc thúc đẩy sự tự tin vào khả năng của bản thân, bài nghiên cứu còn cho thấy được rằng với 45 phút thực hành nghệ thuật giúp làm tăng lên đáng kể những cảm xúc tích cực và làm giảm đi những cảm xúc tiêu cực.

Những lợi ích đem lại từ Trị liệu nghệ thuật tương ứng với mọi độ tuổi. Nghiên cứu chỉ ra rằng không có sự khác biệt đáng kể nào về sự ảnh hưởng của liệu pháp này lên những người tham gia dù cho độ tuổi chênh lệch giữa họ lên đến 41 tuổi.

“Khi không cảm thấy bị áp lực, sự tự tin ở người thực hành nghệ thuật sẽ được biểu hiện một cách tự nhiên.”

Rainbow craft

Nghiên cứu này được thực hiện đồng thời với một nghiên cứu khác thực hiện bởi Kaimal vào đầu năm nay, đã nhận định rằng mức độ cortisol – một loại hormone có liên quan đến sự căng thẳng, giảm đáng kể ở những người tham gia sau khi họ tham gia vào hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Với sự ủng hộ của kết quả này, Kaimal kỳ vọng sẽ phát triển một chương trình giảng dạy lấy cảm hứng từ Trị liệu nghệ thuật để áp dụng trong các trường học nhằm giúp học sinh trong việc đối mặt với những nhiệm vụ khó và thử thách.

Các nghiên cứu tiếp theo của cô ấy cũng đi theo hướng đo lường các chỉ số sinh học khác (bên cạnh cortisol) để xem xét sự ảnh hưởng của Tri liệu nghệ thuật lên mức độ căng thẳng của một người. Song song đó, cô ấy cũng mong muốn kiểm tra xem các hình thức thực hành nghệ thuật khác nhau, chẳng hạn như vẽ và làm mô hình, có tác dụng khác nhau như thế nào đến việc hỗ trợ giảm bớt căng thẳng.

Tóm lại, thông qua những phương pháp nghiên cứu khác nhau, chúng tôi muốn hiểu hơn về những lợi ích đem lại của việc sáng tạo nghệ thuật và sự đa dạng trong ảnh hưởng của nó lên mỗi cá nhân.” Kaimal cho biết. “Chúng tôi nhận ra rằng sáng tạo nghệ thuật giúp cải thiện tâm trạng, giảm mức độ cortisol và tăng cường ‘niềm tin vào năng lực cá nhân’ trong chúng ta. Tiếp đến chúng tôi muốn biết xem liệu các phương pháp thực hành sáng tạo khác nhau có ảnh hưởng thế nào lên mỗi chúng ta và có hiệu quả kéo dài trong bao lâu.”

Bạn có thể tìm đọc bài nghiên cứu hoàn chỉnh của Kaimal và Ray, “Free Art-Making in an Art Therapy Open Studio: Changes in Affect and Self-Efficacy”, tại đây.

Nên Nói Gì Với Teen Về Việc Trị Liệu Tâm Lý

Hãy thử nói chuyện với teen lúc bạn cảm thấy bình tĩnh thay vì nói về việc trị liệu tâm lý như một mối đe dọa hoặc như một cách để chứng minh quan điểm của bạn. Biên soạn: Nguyễn Hương Linh   Ngay cả đối với người lớn, ý tưởng đi trị liệu tâm lý đã có thể là một...

read more